visitor

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Chiều cao và thành tựu của tổng thống Mĩ



Viết xong cái entry về chiều cao và tổng thống Mĩ tôi chợt thấy một bài báo thú vị có tên là “Is Presential Greatness Related to Height?” của Paul Sommers, giáo sư kinh tế của trường Middlebury College (bang Vertmont). Bài đăng trên tập san The Colege Mathematical Journal năm 2002, số 33, trang 14-16.
Ông giáo sư này làm thống kê chiều cao của tổng thống Mĩ trước. Sau đó ông tìm những đánh giá của giới sử gia Mĩ về thành tựu của họ trong thời gian tại chức. Thành tựu ở đây là chính sách kinh tế, giáo dục, y tế, khả năng ứng biến trong tình hình chiến tranh và khủng hoảng. Có bốn bậc thành tựu: great (lớn), near great (gần lớn), above average (trên trung bình), average (trung bình), below average (dưới trung bình), và failure (thất bại). Có một số tổng thống mà người ta không đánh giá được và kí hiệu là “na” (not available hay not applicable). Số liệu đó được trình bày trong bảng dưới đây.
Câu hỏi ông đặt ra là: có mối tương quan nào giữa chiều cao và thành tựu hay không? Cách đơn giản nhất để kiểm định giả thuyết này là tính chiều cao trung bình cho từng bậc. Tôi tính thử thì thấy như sau:
Thành tựu
Số tổng thống
Chiều cao trung bình và độ lệch chuẩn
Great
4
188 (0.5)
Near Great
4
179 (4.2)
Above Average
9
179 (9.2)
Average
11
177 (7.7)
Below Average
7
179 (4.2)
Failure
5
180 (4.7)
Như vậy, chiều cao xem ra có tương quan với mức độ thành tựu. Chiều cao càng cao thành tựu càng lớn. Nếu chúng ta chia thành tựu thành 3 nhóm: Great và Near Great thành một nhóm, average và above average thành một nhóm, và below average và failure, thì kết quả sẽ là:
Thành tựu
Số tổng thống
Chiều cao trung bình và độ lệch chuẩn
Great + Near Great
8
184 (5.4)
Average + Above Average
20
178 (8.2)
Failure + Below Average
12
179 (4.2)
Rõ ràng có sự khác biệt về chiều cao và sự thành tựu của tổng thống. Nhưng thú vị hơn có lẽ là lời giải thích và lí thuyết đằng sau nó. Tôi thấy lí thuyết Darwin khá thuyết phục ở đây, nhưng tôi sẽ … không nói. :-)
Dựa vào kết quả quá khứ, có thể nói xác suất Obama trở thành một tổng thống “Great” hay “Near Great” có thể cao đấy. Cao bao nhiêu thì tôi để cho các bạn tính (vẫn mô hình logistic thôi). :-)
Còn George W. Bush? Dựa vào mô hình trên (chiều cao của GWB là 180 cm), tôi tính thấy xác suất ông ấy đắc cử là 50%. Còn xác suất làm tổng thống "great" hay "near great" thì exp(a+b*height) / (1+exp(a+b*height)), trong đó a=-26.573, b=0.1383) thì xác suất Bush làm tổng thống bậc đó chỉ 15%, ngay cả xác suất ông ấy trên trung bình (với a=-12.1322 và b=0.0651) cũng chỉ 37%.
Mua vui cũng được một vài phút giây. (Xin lỗi Tiên Điền tiên sinh tôi đã sửa lời của cụ!)
NVT
Danh sách tổng thống, chiều cao (cm) và thành tựu
Tên
Chiều cao
Thành tựu
Abraham Lincoln
188
great
Andrew Jackson
185
near great
Andrew Johnson
178
failure
Barack Obama
187
na
Benjamin Harrison
168
average
Bill Clinton
189
above ave
Calvin Coolidge
178
below ave
Chester A Arthur
188
average
Dwight D Eisenhower
179
above ave
Franklin D Roosevelt
188
great
Franklin Pierce
178
below ave
George H W Bush
188
average
George W Bush
180
below ave
George Washington
188
great
Gerald Ford
183
average
Grover Cleveland
180
above ave
Harry S Truman
175
near great
Herbert Hoover
180
average
James Buchanan
183
failure
James Garfield
183
na
James Madison
163
above ave
James Monroe
183
above ave
James Polk
173
above ave
Jimmy Carter
175
average
John Adams
170
average
John F Kennedy
183
above ave
John Quincy Adams
170
above ave
John Tyler
183
below ave
Lyndon B Johnson
192
above ave
Martin Van Buren
168
average
Millard Fillmore
175
below ave
Richard Nixon
182
failure
Ronald Reagan
185
below ave
Rutherford B Hayes
174
average
Theodore Roosevelt
178
near great
Thomas Jefferson
189
great
Ulysses S Grant
172
failure
Warren Harding
183
failure
William Henry Harrison
173
na
William Howard Taft
183
average
William McKinley
170
average
Woodrow Wilson
180
near great
Zachary Taylor
173
below ave

Số liệu tranh cử từ 1789 đến nay là ở đây. Bạn đọc nào có R trong computer, chỉ cần cắt và dán mấy lệnh dưới đây sẽ có kết quả như trong entry trước mà tôi đề cập đến:
year = c(2008, 2008, 2004, 2004, 2000, 2000, 1996, 1996, 1992, 1992,
1988, 1988, 1984, 1984, 1980, 1980, 1976, 1976, 1972, 1972,
1968, 1968, 1964, 1964, 1960, 1960, 1956, 1956, 1952, 1952,
1948, 1948, 1944, 1944, 1940, 1940, 1936, 1936, 1932, 1932,
1928, 1928, 1924, 1924, 1920, 1920, 1916, 1916, 1912, 1912,
1908, 1908, 1904, 1904, 1900, 1900, 1896, 1896, 1892, 1892,
1888, 1888, 1880, 1880, 1864, 1864, 1852, 1852, 1844, 1844,
1840, 1840, 1836, 1836, 1832, 1832, 1828, 1828, 1824, 1824,
1820, 1820, 1816, 1816, 1812, 1812, 1800, 1800, 1796, 1796,
1792, 1792, 1789, 1789)
height = c(187, 167, 180, 193, 180, 184, 189, 183,
189, 188, 188, 167, 185, 180, 185, 175, 175,
185, 182, 185, 182, 180, 192, 183, 183, 182,
179, 178, 179, 178, 175, 173, 188, 173, 188,
185, 188, 173, 188, 180, 182, 168, 178, 183,
183, 168, 180, 180, 180, 178, 182, 183, 178,
183, 170, 183, 170, 183, 180, 168, 168, 180,
183, 188, 192, 168, 178, 196, 173, 185, 173,
168, 168, 173, 185, 185, 185, 170, 170, 185,
183, 170, 183, 178, 163, 191, 189, 168, 170,
189, 188, 170, 188, 170)
won = c(1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0,
1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1,
0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0,
1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1,
0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0,
1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1,
0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0, 1, 0,
1, 0, 1, 0)
# kiem tra so lieu
cbind(year, height, won)
# Ve bieu do box
boxplot(height ~ won,
ylab="Chieu cao", xlab="Ket qua (1=thang, 0=thua")
# mo hinh hoi qui logistic
logist = glm(won ~ height, family=binomial)

Tại sao người Việt Nam ít nói “cảm ơn”?



Báo Tuổi Trẻ có một bài thú vị về chuyện “cám ơn”. Bài này làm tôi liên tưởng đến những giao tiếp của mình ở trong nước. Như các bạn có thể đoán được, tôi nhận nhiều thư hỏi han hay xin giúp đỡ. Có rất nhiều thư không bao giờ xưng tên gì cả! Còn những câu hỏi, chữ viết thì ... khỏi nói, chỉ biết dơ tay lên trời. Toàn là thư từ địa chỉ công cộng, nên chẳng biết người đó có thật sự hiện hữu hay không. Khi tôi trả lời xong, thì coi như người đó biến mất, không bao giờ có một thư nói là đã nhận được thư (chứ chưa đòi hỏi phải “cám ơn”). Thoạt đầu, tôi tưởng chắc chỉ vài ba trường hợp, nhưng tôi sai: hình như hiện tượng này mang tính hệ thống, cứ như là một văn hóa vậy. Văn hóa không cám ơn. Mà, thú thật, tôi cũng chẳng quan tâm, vì khi mình làm gì, cái tôi cần không phải là một lời cám ơn (dù lời nói đó cũng làm cho mình ấm lòng) mà chỉ muốn làm hết việc của mình mà thôi.
Nhưng đó là tôi, một người Việt Nam, còn người Tây thì sao? Tôi chỉ sợ cái văn hóa đó mà ứng dụng cho người Tây phương thì họ sẽ nghĩ không tốt về người Việt Nam. Nếu thay vai tôi cho một ông Tây nào đó, tôi biết ông Tây đó sẽ nghĩ người Việt Nam rất vô ơn, rất mất lịch sự, thiếu văn minh trong giao tiếp xã hội. Thật ra thì người Việt Nam chúng ta không vô ơn đâu, nhưng chỉ vì không quen với cách nói “cám ơn” mà thôi.
Ngày tôi mới sang đây, tôi thấy hai chữ “thank you” và “sorry” giống như là những chữ nằm lòng.Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today”, thì câu trả lời đại khái phải là “I am fine, thank you.” Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.
Trong các hội nghị khoa học, chúng tôi thậm chí còn nhắc nhở nghiên cứu sinh đến quầy của các công ti kĩ nghệ nói một tiếng cám ơn người ta, vì nếu không có tài trợ của họ thì chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn rất quan trọng. Ấy thế mà tôi thấy trong nhiều báo cáo khoa học từ Việt Nam, tác giả chẳng cám ơn ai!
Tương tự, chữ sorry (xin lỗi) cũng là chữ đầu môi. Đi đường, nếu bị ai đụng nhẹ một cái, họ liền quay lại nói “xin lỗi”. (Còn ở nước ta, có lẽ do mật độ dân số cao, nên chuyện đụng chạm là bình thường, chẳng cần xin lỗi). Nói ra một câu gì rồi mình tự thấy vô duyên thì câu sau sẽ là “tôi xin lỗi”. Thậm chí, nhiều khi họ đấm người ta một cú như trời giáng mà cũng quay sang nói với nạn nhân mình là “xin lỗi nhé”! Có khi tôi nghĩ sao người Tây phương khách sáo quá.
Hồi xưa, lúc còn ở trong nước tôi hay nghe người ta nói người Tây phương lịch sự nhưng họ vô đạo đức lắm. Nhưng khi ra ngoài này, tôi nghĩ quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người Tây phương, mà cụ thể là người Anh, Mĩ (tôi không biết mấy dân tộc bên Đông Âu ra sao nên không dám nói). Họ chẳng những rất lịch sự mà còn rất đạo đức. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta. Trẻ con từ lúc còn rất nhỏ được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”. Tôi thấy đây cũng là điểm mà mình cần phải học người Tây phương.
NVT
Thứ Sáu, 31/10/200822:23 (GMT+7)
Tại sao người Việt Nam ít nói “cảm ơn”?
TT - Đọc bài “Các bạn ít nói xin lỗi” trên mục Trong mắt người nước ngoài (Tuổi Trẻ ngày 14-10-2008), tôi thấy cần phải tự phê là người VN mình cũng rất ít khi nói “cảm ơn”. Chuyện này cứ lặp lại nhiều lần, và gần như là một thói quen cố hữu của người Việt nên tôi xin kể câu chuyện sau đây để mọi người cùng suy nghĩ.
Hôm ấy chúng tôi đến công ty sớm hơn mọi ngày. Buổi họp sắp bắt đầu, mọi người lấy viết, máy tính, sổ tay đặt lên bàn. Anh phụ trách kỹ thuật lo chỉnh máy chiếu LCD cho màn hình được rõ nét. Ai cũng gấp gáp.
Kevin, giám đốc marketing, đứng dậy đi lấy nước. Trước khi ra cửa anh hỏi: “Các bạn có ai uống gì không? Tôi mang vào cho”. Cả phòng họp gồm các giám đốc phòng ban, kẻ trả lời có, người trả lời không bằng thứ tiếng Anh trôi chảy mà họ vẫn nói hằng ngày. Tuy nhiên chỉ có một trong số gần mười câu trả lời đó có kèm theo tiếng “cảm ơn”.
Chiều hôm ấy, Kevin nói với tôi: “Mình thấy bị sốc và lấy làm rất lạ là tại sao người VN không nói cảm ơn. Hồi sáng, người nói “yes” thì thiếu “please”, còn người trả lời “no” thì không kèm theo chữ “thanks”.
Tôi cười buồn. Tuy không phải tất cả đều như thế nhưng phải công nhận là nhận xét nói trên hoàn toàn đúng. Đối với người nước ngoài, khi ai đó tỏ ra muốn giúp đỡ gì cho mình thì ta nên cảm ơnngay, không phụ thuộc vào việc có nhận sự giúp đỡ đó hay không. Với người VN, từ nhỏ trẻ em không được hướng dẫn rõ ràng như vậy.
Tôi xin ví dụ bằng hai câu chuyện có thật và thường xảy ra hằng ngày:
1. Bé Hoa nghe tiếng chuông liền chạy ra mở cửa. Bác Liên đi chợ về một tay xách giỏ thức ăn, tay kia cầm chiếc bánh bao hỏi bé Hoa:
- Con ăn bánh bao không?
- Dạ không, con ăn sáng rồi.
Đối với chúng ta như thế là đã quá lễ phép, không cần bắt bẻ gì nữa. Vì thế, bé Hoa sẽ không nói cảm ơn với bác Liên hay bất kỳ ai khi bé không nhận quà.
2. Hôm nay toàn thể giáo viên lên quận họp. Hương loay hoay dắt chiếc xe Attila ra cửa, Quân từ trên cầu thang chạy xuống nói vọng ra:
- Xe nặng đấy, để anh dắt ra cho.
- Được rồi, cảm ơn anh.
- Ôi, sao lại nói cảm ơn. Em khách sáo quá!
Thế đấy! Chữ cảm ơn bị từ chối và chữ khách sáo lại bị dùng sai.
Vì quan niệm như thế nên chúng ta ngại nói lời cảm ơn và dẫn đến hình ảnh không hay trong mắt của người nước ngoài. Liệu mình có thể làm được gì để giúp cải thiện hình ảnh đó không? Tôi nghĩ rằng có thể.
Hãy dạy cho con trẻ biết nói cảm ơn từ khi còn nhỏ, cả lúc nhận lẫn lúc từ chối lời mời. Việc này tuy nhỏ nhưng tôi tin rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em, nhất là giúp trẻ tránh được thái độ vô ơn. Trong thế giới đẹp đẽ này, bao nhiêu phần được xây bằng những điều to tát, bao nhiêu phần được xây từ những cái nhỏ nhoi? Tôi nghĩ rằng núi lớn non cao cũng rất cần hoa cỏ, biển rộng sông dài cũng không thể thiếu suối khe. Viết lên những dòng tâm sự trên, tôi chỉ muốn chúng ta cùng góp sức để làm đẹp cho đời từ những phần nhỏ nhoi đó, điều đó vừa sức với tôi cũng như đa số mọi người.